++ Chào mừng các bạn ghé thăm Blog'sTheAnh ++ Mong các bạn góp ý để Blog ngày càng phát triển ++

Bài thu hoạch

BÀI THU HOẠCH CÁ NHÂN
QUA 4 NĂM THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG
ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Tôi tên là: TRỊNH THẾ ANH

Sinh ngày: 08 tháng 08 năm 1983

Chức vụ: Chuyên viên
Hiện đang công tác tại: Phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐHSP Huế
Qua 4 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi tự thu hoạch như sau:

1. Nhận thức của cá nhân về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG DO CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH DÀY CÔNG VUN ĐẮP CHO DÂN TỘC VIỆT NAM LÀ ĐẠO ĐỨC SUỐT ĐỜI VÌ HẠNH PHÚC CỦA NHÂN DÂN.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một trong những nguyên thủ quốc gia rất hiếm của thế giới đã quan tâm đến đạo đức một cách toàn diện và cụ thể, hệ thống và chi tiết. Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, vấn đề đạo đức cách mạng luôn được Người quan tâm ở vị trí hàng đầu, với “ham muốn tột bậc là nước phải hoàn toàn được độc lập, dân phải hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng phải được học hành”. Đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là đạo đức suốt đời vì hạnh phúc nhân dân: “Bác sống như trời đất của ta, Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa, Tự do cho mỗi đời nô lệ, Sữa để em thơ, lụa tặng già...” - Tố Hữu

Người đề ra những chuẩn mực đạo đức cụ thể phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đối tượng người Việt Nam.

Với thiếu niên nhi đồng, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Những chuẩn mực đạo đức Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng là: “Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh. Thật thà, dũng cảm”.

Người đánh giá cao vai trò của thanh niên là người chủ tương lai của đất nước. Người khẳng định nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu phần lớn là do các thanh niên. Người khuyên thanh niên: “Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Người dạy thanh niên phải kiên quyết làm bằng được những điều sau:

“a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).

b) Các việc đáng làm, thì khó mấy cũng cố chịu quyết tâm làm cho kỳ được.

c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân, Không ham địa vị và công danh phú quý.

d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.

e) Quyết tâm làm gương về mọi mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.

f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết...”.

Với quân đội và công an, Người quy định 12 điều kỷ luật, mà đòi hỏi những phẩm chất đạo đức của lực lượng vũ trang là: “Trung với Đảng, hiếu với Dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ Quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Với đảng viên, Người nhấn mạnh các chuẩn mực:

“1. Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

2. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

3. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

4. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ.”

Với cán bộ công chức nhà nước, Người quy định “6 điều không nên và 6 điều nên làm” để cán bộ công chức Nhà nước phải là công bộc của dân, đầy tớ trung thành của nhân dân.

Với giáo viên, Bác dạy phải là tấm gương 4 mặt. Với đội ngũ y, bác sỹ, Bác dạy “lương y như từ mẫu”. v.v.

Những chuẩn mực đạo đức chung, cơ bản và phổ cập đối với mọi người do Người quy định có thể khái quát lại là:

1. Trung với nước, hiếu với dân.

Đây là phẩm chất quan trọng nhất và bao trùm nhất.

Trung với nước là trung thành với sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Nước do dân làm chủ nên trung với nước đồng thời là hiếu với dân. Hiếu với dân là phải gần dân, gắn bó với dân, kính trọng và học tập dân, dựa hẳn vào dân, lấy dân làm gốc.

Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đối với cán bộ, đảng viên, điều đó là tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

2. Yêu thương con người.

Tình yêu thương con người theo Hồ Chí Minh là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.

Tình cảm rộng lớn đó, trước hết dành cho những người nghèo khổ, những người lao động bị áp bức. Tình thương đó được thể hiện trong quan hệ với bạn bè, đồng chí, với mọi người. Tình thương đó còn được thể hiện đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng đã nhận rõ khuyết điểm sai lầm và cố gắng sửa chữa; kể cả đối với những người lầm đường lạc lối đã hối cải; kể cả đối với kẻ thù bị thương, bị bắt hoặc đã quy hàng.

Tình yêu thương con người được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng vì sự nghiệp chung. Nó xa lạ với thái độ dĩ hòa vi quý, bao che sai lầm khuyết điểm cho nhau; yêu nên tốt, ghét nên xấu và bè cánh.

3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Đây là phẩm chất đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất và thường xuyên nhất từ “Đường cách mệnh” đến bản “Di chúc” của Người.

Cần là lao động cần cù siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động tự lực cánh sinh, không ỷ lại, không lười biếng; phải coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi người.

Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của đất nước, của bản thân; không xa xỉ, hoang phí.

Liêm là luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm một xu, một hạt thóc của dân, của Nhà nước. Không tham địa vị, tiền tài. Không tham sung sướng. Không tham người tâng bốc mình.

Chính là thẳng thắn, đúng đắn. Đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục điều dở của bản thân. Đối với người là không nịnh hót đối với cấp trên, không coi khinh người dưới; luôn chân thành khiêm tốn, đoàn kết, không dối trá lừa lọc. Đối với công việc là để việc công lên trên việc riêng. Đã phụ trách việc gì thì làm cho kỳ được, không sợ khó khăn nguy hiểm; việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, cho dân.

Chí công vô tư là khi làm việc gì cũng phải nghĩ cho người trước, khi hưởng thụ thì phải đi sau; phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Thực hiện chí công vô tư cũng có nghĩa là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

Cần kiệm liêm chính và chí công vô tư luôn quan hệ mật thiết với nhau. Thiếu một trong bốn đức cần, kiêm, liêm, chính là không thành người. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính tất yếu dẫn đến chí công vô tư. Đã chí công vô tư ắt thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thực hiện nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

4. Tinh thần quốc tế trong sáng, thuỷ chung.

Tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản là tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em”.

Đó là tôn trọng và yêu thương, là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động thế giới, với những người tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội.

Sự đoàn kết ấy là nhằm những mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc.

Chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng phải gắn liền với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Nó xa lạ với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa sô vanh, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa bành trướng.

Trong tính cụ thể, chi tiết về những chuẩn mực đạo đức cách mạng, Người quy định đúng cho từng đối tượng người, ngành nghề, giới tính, lứa tuổi, và những chuẩn mực chung có ý nghĩa cơ bản mang tính phổ cập của đạo đức con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được Hồ Chí Minh quy định còn thể hiện cả trên ba bình diện với mình, với người và với công việc:

1. Với tự mình phải rất nghiêm khắc: Tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức suốt đời. Luôn luôn tự giác chấp hành nghiêm túc mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước,.. vì lợi ích của Đảng, của Dân tộc, của Nhân dân, của Tập thể là trước hết, trên hết.

2. Với người phải thật sự khoan dung, độ lượng: Thật sự yêu thương con người, có niềm tin mãnh liệt vào sự vươn dậy của con người. Đấu tranh tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng, thống nhất, đoàn kết, cùng tiến bộ. Đồng thời, luôn cảnh giác, nghiêm khắc và kiên quyết đấu tranh đến cùng đối với những ai lợi dụng lòng nhân ái mưu cầu lợi ích riêng không chính đáng, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của nhân dân, của tập thể.

3. Với công việc phải tận tâm, tận lực: Luôn phấn đấu học tập để không ngừng nâng cao trình độ lý luận Mác-Lênin và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn, thách thức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đã nhận việc là phải hoàn thành công việc được giao đến nơi, đến chốn với hiệu quả, chất lượng cao. Luôn luôn có ý thức và thực hiện cải tiến, đổi mới phương pháp làm việc vì sự tiến bộ và phát triển của nước Việt Nam.

Hồ Chí Minh có tấm lòng yêu thương con người vô hạn. Người có sự khoan dung, độ lượng rộng lớn với con người. Người có một niềm tin mãnh liệt vào sự vươn dậy của con người, Người cố tìm dù là nhỏ nhất những tích cực của họ mà khơi dậy, tạo điều kiện cho họ hội nhập với cộng đồng, làm việc hữu ích cho mình và cho xã hội. Nhưng Hồ Chí Minh cũng rất nghiêm khắc với những ai lợi dụng lòng tốt của Người để lợi ích riêng, làm tổn hại đến lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân. Người đã từng ký những bản án cao nhất nghiêm trị những cán bộ phục vụ quanh Người vì lý do đó: Cách chức một cán bộ phụ trách kinh tế của Chính phủ và nghiêm cấm việc bố trí những công tác có liên quan đến kinh tế đối với cán bộ này vì ông ta đã từng lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến thanh danh của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người cũng đã từng gạt nước mắt ký bản án tử hình đối với một sỹ quan Cục quân nhu của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng vì lý như vậy.

Trước Cách mạng Tháng Tám, chuẩn mực đạo đức được Người đặt lên hàng đầu là vì độc lập của Tổ Quốc. Sau Cách mạng Tháng Tám, mối quan tâm hàng đầu về chuẩn mực đạo đức của Người là liêm chính chí công vô tư, chăm lo cung phụng lợi ích của nhân dân.

Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người dạy: “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự, mà xao nhãng việc học tập. Đó là một khuyết điểm rất to. Khác nào người thầy thuốc chỉ đi chữa người khác, mà bệnh trong mình thì quên chữa.

Từ nay chúng ta cần phải thiết thực học tập, sửa chữa các khuyết điểm. Vì có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có thể tiến bộ”.

Trong tác phẩm này, Người chỉ rõ: “ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng”. Đó là: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa.

Người quy định 12 tư cách của Đảng chân chính cách mạng và căn dặn: “Muốn cho Đảng được vững bền, Mười hai điều đó chớ quên điều nào”. Về đạo đức cách mạng của Đảng chân chính, Người viết: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những đức tính tốt như sau (nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm), ngày càng thêm”. Người cũng quy định 6 điều về tư cách và 6 điều về bổn phận của đảng viên. Ở đó, Người nhắc nhở, đảng viên phải suốt đời tranh đấu cho độc lập của dân tộc, phải đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, phải luôn là kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi công việc. Người nhắc nhở khắc phục khuyết điểm, xây dựng đạo đức cách mạng là để “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.

Trong và sau sửa sai, năm 1955 và năm 1958, Người liên tiếp viết hai tác phẩm có cùng tựa đề “Đạo đức cách mạng”. Trong tác phẩm viết năm 1955, sau khi định nghĩa: “Quyết tâm giúp đỡ loài người ngày càng tiến bộ và thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, luôn giữ vững tinh thần chí công vô tư - đó là đạo đức cách mạng”, Người chỉ rõ các khuyết tật của một số cán bộ, đảng viên là: “Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân”. Từ đó, Người chỉ thị: “Đảng ta từ trên đến dưới phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình”.

Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” viết năm 1958, sau khi tóm tắt đạo đức cách mạng là gì, Người chỉ ra, trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ để tiến lên chủ nghĩa xã hội, người cách mạng còn cần phải chống ba thứ giặc nguy hiểm: “Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; Thói quen và truyền thống lạc hậu; Chủ nghĩa cá nhân”.

Trong ba thứ giặc ấy, Người nhấn mạnh: “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa các nhân”. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân.

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Nhân kỷ niệm sinh nhật Đảng, ngày 3 tháng 2 năm 1969, Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Sau khi chỉ ra những thành tựu mà Đảng, Cách mạng, Dân tộc và nhân dân ta đã đạt được, một lần nữa, Người chỉ ra, nước ta vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. “Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.

Và Người kêu gọi: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.

Trước khi đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin, Người để lại cho muôn đời sau muôn vàn tình thương yêu bản “Di chúc” thiêng liêng. Trong bản “Di chúc” này, Người trước sau vẫn chỉ chăm lo cho lợi ích của nhân dân mà quên đi lợi ích của riêng mình. Một trong những chuẩn mực đạo đức cách mạng cao nhất, tốt đẹp nhất mà Người dày công vun đắp cho con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là: trung thành, tận tụy chăm lo lợi ích cho nhân dân.

Người căn dặn, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”; Đảng và Nhà nước ta phải chăm lo hạnh phúc cho những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình cho cách mạng, làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, cần miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân, cần chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau... Còn về bản thân mình, Người yêu cầu hỏa táng thi hài Người đi. Làm như vậy vừa tốt cho người sống về vệ sinh, vừa không tốn ruộng đất. Tro chia làm ba phần cho ba miền Bắc, Trung, Nam chọn đồi để chôn. “Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà chỉ nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến viếng thăm có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Trong công cuộc đổi mới định hướng xã hội chủ nghĩa, chấp nhận nền kinh tế thị trường hiện nay ở Việt Nam, thành tựu to lớn không thể phủ nhận là từ một nước đói nghèo, lạc hậu, kém phát triển, thì từ năm 2000 nước ta đã được thế giới thừa nhận là nước đang phát triển (Năm 2000 Việt Nam được xếp thứ 168/168 nước được xếp hạng đang phát triển của thế giới. Năm 2005 đã được xếp thứ 165/168 nước). Hiện nay, Việt Nam đang là nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, nên thậm chí, tạp chí kinh tế thế giới còn dự báo đến hết năm 2010, Việt Nam sẽ là con Rồng mới của châu Á (dù con Rồng này có xuất phát điểm còn rất thấp - tác giả nhấn mạnh). Nhưng, những mặt trái của nó là các thách thức mà Đảng ta gọi là các nguy cơ mất nước (xa dân; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; thoái hóa biến chất về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tham nhũng) luôn nhắc nhở chúng ta, đây là lúc hơn lúc nào hết càng cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:“Suốt cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam. Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa. Bác thương đàn cháu nhỏ Trung Thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm đêm ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương, Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn tình thương”.

2. Nhận thức của cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động:

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người kiến trúc nên Nhà nước Cách mạng Việt Nam. Nói đến Bác, là chúng ta nhớ ngay đến tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người: “tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và giải phóng nhân loại; tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng; tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người; tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường”.

Một nhà lãnh đạo đã nói: Để hiểu sự nghiệp Hồ Chí Minh, chúng ta hãy đến với con người Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch là một thiên tài kiệt xuất. Cái cốt tử trong thiên tài của Bác là đạo đức cách mạng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và người cộng sự gần gũi nhất của Bác Hồ đã nói: “Ở gần Bác, tôi thấy một nét nổi bật của Bác là rất coi trọng phẩm chất con người, suốt đời chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ và nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập ra thời đại mới của dân tộc Việt Nam, hình thành con người Việt Nam mới với những giá trị tư tưởng và tinh thần cao quý. Xã hội Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là xã hội đề cao các giá trị tinh thần, những quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Trong xã hội ấy, tiêu biểu là những chiến sĩ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc, những con người lao động nhiệt tình xây dựng đất nước, những con người quên mình chăm lo cho lợi ích chung của nhân dân.

Những lần gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Bác đã nói: “Cũng như sông, có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo... Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Ngày 19-5-1946, một đoàn cán bộ của Ban vận động Đời sống mới vào chúc thọ Bác. Nhân lúc trò chuyện, một nhà văn lão thành thưa với Bác:

- Thưa cụ, hôm nay đến chúc thọ cụ Chủ tịch, xin cụ cho Ban đời sống mới chúng tôi một khẩu hiệu, để Ban chúng tôi vận động nhân dân thực hiện.

Bác Hồ vui vẻ, Người nói:

- Khẩu hiệu ư ? Thế thì khẩu hiệu đó là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là những phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của con người. Vì vậy, Bác Hồ đã đề cập đến phẩm chất này nhiều nhất, từ tác phẩm Đường Kách Mệnh đến Bản Di chúc cuối cùng của Người.

Trong bài báo “Cần kiệm liêm chính” in trên 4 số Báo Cứu Quốc tháng 5 và tháng 6 năm 1949, Bác Hồ viết: “Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm. Cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được”. Bác dẫn lời: “Cụ Khổng Tử nói: Người mà không liêm, không bằng súc vật. Cụ Mạnh Tử nói: Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy ! Vì thế cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Một điểm nổi bật trong đạo đức cách mạng của Bác Hồ, đấy là lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân. Có thể nói, mọi suy nghĩ, mọi hành động của Bác đều vì lợi ích của nhân dân. Người luôn đặt đời sống của mình trong đời sống của nhân dân và suốt đời gắn bó với nhân dân. Theo số liệu của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì trong 10 năm (1955 - 1965) Bác Hồ đã đi xuống cơ sở hơn 700 lần.

Một nhà văn đã viết: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ, bên cạnh cái ao nuôi cá làm “cung điện” của mình. Lại nhớ khi ngôi nhà sàn làm xong, Bác tổ chức liên hoan, mời anh em công nhân ăn kẹo, uống nước. Bác nói:

- Cái nhà Toàn quyền kia hàng trăm người phải làm trong 6 năm mới xong, còn nhà của Bác các chú chỉ làm trong 1 tháng là xong. Thế là nhanh và tốt. Nhưng còn một khuyết điểm, các chú có biết là khuyết điểm gì không?

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh thưa với Bác:

- Thưa Bác, so với ý Bác dặn thì ngôi nhà có to hơn ạ.

Bác bảo:

- Chú nói đúng. Nước ta chưa giàu, dân ta còn nghèo, chưa đủ nhà ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi. Các chú không phải lo cho Bác. Rồi Bác nói nhỏ với kiến trúc sư:

- Chủ tịch nước ở cái nhà bé thế này, để Chủ tịch tỉnh ở cái nhà to hơn một chút là vừa!

Mùa rét, Bác Hồ có một cái áo bông của đồng bào biếu. Bác mặc đã nhiều năm, bông đã xẹp không ấm nữa, cái vỏ bọc ngoài đã phai màu, lại rách ở vai. Bác bảo vá lại cho Bác. Nhân dịp này, anh em không dám nói thay áo khác, chỉ xin Bác cho thay cái vỏ bọc ngoài cho mới. Bác bảo:

- Này chú ạ, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy. Sao chú lại dám bỏ cái phúc ấy đi ?

Bác còn nói thêm: “Bây giờ nhiều cụ già ở nông thôn có được cái áo bông này là quý lắm đấy chú ạ”. Hiện nay cái áo bông vá vai ấy vẫn còn trong bảo tàng Hồ Chí Minh.

Bác cũng thường nói với anh em cấp dưỡng:

- Các chú làm thức ăn cho Bác ít thôi. Bác ăn không hết, để người khác ăn thì không nỡ, mà đổ đi thì phí.

Hồi Bác còn ở ngôi nhà cũ của người thợ điện, thấy nóng bức, anh em ngoại giao ở nước ngoài mua gửi về biếu Bác một chiếc điều hòa nhiệt độ. Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lên bảo:

- Chiếc máy này tốt đấy chú ạ, các chú nên đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước, Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là tốt rồi.

Điều làm chúng ta cảm động là khi nói đến nhà ở, đến áo mặc, Bác đều nghĩ đến nhân dân. Một lần, một nhà văn nữ nước ngoài vào thăm khu nhà Bác ở. Lúc ấy Bác đã mất, thấy ngôi nhà giản dị quá, nhà văn xin phép được mở cái tủ áo của Bác. Và khi nhìn thấy trong chiếc tủ gỗ đơn sơ chỉ treo vẻn vẹn có vài ba bộ quần áo ka ki đã bạc màu, bên dưới là một đôi dép cao su đen... Thế là bà ta lấy khăn lau nước mắt.

Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh còn được thể hiện bằng tấm lòng nhân ái, yêu thương con người. Nhận được quà biếu của đồng bào, dù là chiếc áo len hay chai mật ong... Bác đều gửi biếu lại các cán bộ ở gần Bác, hoặc gửi biếu các chú thương binh. Nhận được điện thoại gọi đến, biết người quen Bác đều hỏi thăm sức khỏe rồi mới bàn công việc. Bác không bao giờ dùng chữ cho, chỉ nói tôi biếu các cụ hoặc tặng các cháu nhỏ.

Tháng 2-1967, trong Di chúc của Người, ngoài việc dặn dò mọi người phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nhất trí, đoàn kết và thống nhất, Bác căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Song điều làm ta phải suy nghĩ và xúc động là Bác đã dặn dò cả việc đối với những nạn nhân của xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước ta vừa phải giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên người lương thiện. Có thể nói trong muôn vàn tình thương yêu của Người, Bác Hồ không để sót một ai, không quên một ai, có quên chăng là chỉ quên mình!

Học tập đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị tổ chức, thực hiện từ ngày Kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng (3-2-2007) cho tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng. Cuộc vận động lớn này, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các tệ nạn xã hội... Đây chính là những hành động thiết thực nhất để Kỷ niệm ngày thành lập Đảng ta, Kỷ niệm ngày sinh nhật Bác và Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI.

3. Những kết quả cụ thể trong làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cá nhân:

3.1 Những kết quả đã làm được:

- Về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên: Tôi luôn luôn gương mẫu rèn luyện phẩm chất tư cách, làm tròn nhiệm vụ được đơn vị giao phó. Sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hoà nhã thân ái với mọi người, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

- Về ý thức trách nhiệm tâm huyết với công việc:

+ Về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên : Tôi luôn cập nhật thông tin trên các kênh thông tin đại chúng để chắt lọc, tìm kiếm những tấm gương đạo đức tốt để học hỏi.

+ Tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương hình thức.

+Thẳng thắn, trung thực bảo vệ công lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; chân thành, khiêm tốn, không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không che giấu khuyết điểm ….

+ Kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.

+ Luôn có ý thức giữ gìn đoàn kết trong đơn vị.

- Về ý thức tổ chức, kỷ luật, thực hiện tự phê bình và phê bình theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh :

+ Bản thân tôi tự luôn đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, không kéo bè kéo cánh để làm rối loạn kỷ cương.

+ Luôn có ý thức coi trọng tự phê bình và phê bình. Luôn phê phán những biểu hiện xuất phát từ những động cơ cá nhân. Luôn động viên những người thân trong gia đình giữ gìn đạo đức, lối sống, xây dựng gia đình văn hoá...

3.2 Những mặt chưa làm được hoặc còn tồn tại, hạn chế.

Bên cạnh những ưu điểm, bản thân tôi nhận thấy mình cũng còn những nhược điểm cần phải thẳng thắn, mạnh dạn, cương quyết nhìn nhận hơn nữa như tự phê bình và phê bình còn né tránh, cả nể, chưa kiên quyết, dứt khoát. Việc đấu tranh, tự rèn luyện, tu dưỡng của bản thân còn chưa khoa học, chưa hệ thống, và tinh thần làm việc nhiều lúc chưa thật sự nghiêm túc, chưa sâu sát, chưa tỉ mỉ.

3.3. Phương hướng phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng đạo đức lối sống của bản thân theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh:

Phấn đấu hoàn thành tốt và giữ vững những kết quả đã đạt được. Luôn là người gương mẫu. Luôn gương mẫu trong các hoạt động, tích cực vận dụng sáng tạo trong giải quyết công việc được giao, phải luôn nêu gương về mặt đạo đức, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị.

Rèn luyện kỹ năng trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, mạnh dạn góp ý cho đồng nghiệp để cùng tiến bộ.

Với truyền thống, kinh nghiệm và bản lĩnh suốt 80 năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay nhất định Đảng ta sẽ tiếp tục xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, như mong ước của chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

4. Những đề xuất, kiến nghị:

Thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến gần, Đảng bộ trường Đại học Sư phạm Huế và Đảng bộ Đại học Huế cần triển khai nhanh và hoàn thành đợt 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nội dung học tập, nghiên cứu ba tác phẩm viết về đạo đức tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sửa đổi lối làm việc”, “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa các nhân”, “Di chúc”- không chỉ trong cán bộ công nhân viên, mà cả đối với sinh viên.

Cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, chứ không phải làm lấy vì, làm để kê khai thành tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là con người vĩ đại với nhiều tấm gương sáng. Hy vọng Người không phải là bình phong cho các mục đích riêng.

Với Thừa Thiên Huế (bao gồm Đại học Huế) cần thực hiện tốt “Năm chuẩn mực đạo đức theo Hướng dẫn số 01-HD/TU, ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các địa phương, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh:

1. Đối với quê hương, đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa: Phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; ra sức phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh.

2. Đối với nhân dân: Phải gần dân, hiểu dân, học dân, tôn trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, nhũng nhiễu với nhân dân.

3. Đối với đồng chí, đồng nghiệp: Phải thân ái, đoàn kết, tương trợ, hợp tác giúp nhau cùng tiến bộ; chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, hẹp hòi, vị kỷ.

4. Đối với công việc: Phải tận tụy, trách nhiệm, chất lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

5. Đối với bản thân: Phải gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng học tập, ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng gia đình văn hóa mới.

                                                   Thành phố Huế, ngày 10 tháng 10 năm 2010

            Ý kiến góp ý của chi bộ                    Người viết thu hoạch



                                    TRỊNH THẾ ANH

 
****Dowload file dạng word tại đây.